Nguồn gốc Guốc Việt xa xưa
Theo dòng lịch sử lâu đời, đôi guốc mộc đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm. Các tài liệu cổ của Trung Quốc như Nam Việt chí, Giao Châu ký cũng có ghi rằng Bà Triệu (ở thế kỷ III) đã đi guốc ngà, cưỡi voi xông trận.
Ở nông thôn thời xưa, vào những ngày đông giá rét, phụ nữ khi đi dự hội hè, đình đám, thường đi guốc làm từ gộc tre. Guốc đi trong nhà được đục đẽo bằng gỗ, mũi uốn cong để bảo vệ ngón chân, có quai dọc tết bằng mây thay vì quai da đóng ngang, hoặc quai kẹp xỏ ngón như các mẫu guốc thời trang hiện đại bây giờ.
Trước đây, ở vùng Nam Trung Bộ, người dân tự đẽo guốc để sử dụng hoặc buôn bán khắp chợ. Guốc gỗ thời xưa có hình dáng rất đặc trưng, đó là mũi hơi cong lên, trước mũi có dùi một lỗ thủng từ trên xuống, phía sau dùi một lỗ ngang. Quai guốc là một sợi dây bằng vải se. Guốc xỏ quai giống như quai dép Nhật Bản (Guốc Gỗ Geta) hiện nay. Bên cạnh loại guốc này, còn có guốc gỗ dành cho đàn ông và phụ nữ. Guốc của phụ nữ được đẽo lõm một chút vào phần chính giữa eo, còn guốc đàn ông không eo nên được gọi là guốc xuồng. Guốc sản xuất ở vùng này không sơn, giữ nguyên màu trắng tinh khôi của gỗ. Còn guốc được làm ở Huế thì có sơn một màu hoặc hai màu (thường là đen hoặc nâu). Chỉ những người có xuất thân khá giả, tầng lớp quý tộc mới đi guốc sơn. Một số nơi gọi guốc là dỏn nên đã có thành ngữ “Chân giày chân dỏn” chỉ sự giàu có, sang diện.
Dáng guốc kiêu sa đã là nét đẹp một thời của thiếu nữ thủ đô. Vào cuối những năm 70, bên cạnh guốc gỗ, guốc nhựa đã ra đời. Cùng với giày dép, đôi guốc là vật dụng làm đẹp cho chủ nhân, tôn lên sự trang trọng, quý phái cho người mang guốc. Nếu như ngày xưa người Việt Nam mang guốc cho sạch chân, có lội nước hay đi trời mưa ướt guốc cũng mau khô, thì vào những năm 1970 – 1980, guốc là thời trang của giới nữ Sài Gòn. Nữ sinh từ ngày vào đệ thất (lớp 6) đã mặc áo dài mang guốc đi học. Nữ nhân viên văn phòng mặc áo dài may nhấn eo thật sát, đi guốc đế cao trông rất duyên dáng, lịch sự. Các cô phục vụ ở vũ trường thích mang guốc gót nhọn, cao từ một tấc hai (12cm) trở lên, khi nhảy dáng rất đẹp. Nhiều bà nội trợ đi chợ cũng chọn mặc áo dài hay hoặc áo bà ba và mang guốc.
Bây giờ, gỗ làm guốc nhiều nhất là gỗ thông và gỗ xoan. Gỗ xoan chắc hơn, còn gỗ thông thì có vân đẹp, đi nhẹ nhưng dễ mẻ. Đây là chất liệu chính để sản xuất guốc xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và Malaysia… Ngoài guốc đánh vecni, còn có các loại guốc sơn mài, guốc sơn màu, guốc vẽ, guốc khắc hoa văn. Gót guốc thì không thay đổi, có gót nhọn, gót thấp, gót cao, nhưng đế thì có thêm nhiều chủng loại như đế bằng, đế xuồng… Mang lại nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.
Ngoài ra những kiểu guốc truyền thống, Guốc Mộc Sài Gòn chúng tôi còn kinh doanh kiểu guốc Nhật Bản, loại này có thân hơi vuông, đế bằng thấp, người Việt Nam mua là chính, chứ người Nhật Bản đến Việt Nam không mua guốc kiểu Nhật. Họ thích các mẫu hài thêu kim sa, có quai vải kết cườm, quai kết bông, quai da, quai simili, quai nhựa trong trơn, quai nhựa trong sọc…
Đôi guốc đã gắn bó với đời sống người Việt, có thời gian việc dùng guốc (kéo theo việc sản xuất guốc) đã bị lắng xuống. Sự phục hưng của đôi guốc mấy năm gần đây chứng tỏ quan niệm về cái đẹp đang ngày càng đa dạng hơn, và việc dùng guốc trở lại cũng phần nào thể hiện được sự gìn giữ và trân trọng những giá trị truyền thống của giới trẻ ngày nay.